Nguyệt San Số 5


Phong cảnh quê hương tôi
Tác giả: V.T
Thể loại: sưu khảo

Lời của BBT: Mỗi khi nghe nhạc phẩm Tiền Chiến với tựa đề Quê Tôi, có những đoạn làm cho lòng người tha phương nhớ về quê cũ: Quê tôi chìm chân trời mờ sương, quê tôi là bao nguồn yêu thương, quê tôi là bao nhớ nhung se buồn, là bao vấn vương tâm hồn, người bốn phương....Ắt hẳn cho chúng ta hình tượng về một miền quê thanh bình, no ấm và người dân an cư lạc nghiệp....Trên quê hương tôi: Nước Việt Nam, ba miền Nam Trung Bắc, có nhiều danh lam thắng cảnh và đặc sản địa phương..v..v.. Nguyệt san số 5, BBT xin giới thiệu đến độc giả vài nơi sau đây:

**Những hòn Vọng Phu
        Dọc từ bắc vào nam, có những hòn đá mang hình người đàn bà bồng con chờ chồng đã gắn với những truyền thuyết huyền thoại. Quen thuộc nhất là hòn Vọng Phu trên núi Tô Thị ở Lạng Sơn, đền Vọng Phu trên núi Nhồi (Thanh Hóa), Đá Bà Rầu (Quảng Nam - Đà Nẵng), núi Bà (Bình Định), vào sâu hơn có ngọn Đá Bia (Tuy Hòa), núi Mẫu Tử (Khánh Hòa)... Những hòn Vọng Phu ấy đã trở thành hình tượng đẹp đầy tính nhân văn, ca ngợi lòng chung thủy, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam.
       Truyền thuyết về hòn Vọng Phu hình người phụ nữ ôm con chờ chồng đến hóa đá, là hình tượng đẹp đầy tính nhân văn của Việt Nam. Hòn Vọng Phu đã đi vào thơ ca, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, ca ngợi lòng chung thủy, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam.
       Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn được mọi người biết qua câu ca dao quen thuộc:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa -
Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh...
       Núi Tô Thị nằm gần sông Kỳ Cùng, gần động Tam Thanh. ở sườn núi nhô lên một khối đá, xa trông như một bà mẹ bồng con, cách nay mấy năm đã bị một số người lấy đá nung vôi, sau đó được phục chế. Chuyện kể rằng Tô Thị người nết na, duyên dáng, lấy chồng là chàng trai nhà nghèo nhưng học giỏi tên là Đậu Kim Liên. Đinh Trưởng cũng mê Tô Thị, đã dùng quyền lực bắt Đậu Kim Liên đi lính. Tô Thị ngày ngày lên núi trông ngóng chồng đến hóa đá. Đinh Trưởng thấy lạ tìm xem, bị người đá vung cát vào mắt té ngựa chết. Dân tộc Nùng ở Lạng Sơn cũng có sự tích hòn Vọng Phu này và gọi là sự tích đá trông Chồng.
       Đến Thanh Hóa, chúng ta thấy trên đỉnh núi Nhồi một cột đá đứng sững cao khoảng 20 mét giống hình người phụ nữ ôm con, dân địa phương gọi là hòn Vọng Phu.
Vọng Phu cảnh đẹp núi Nhồi
Có người chinh phụ mắt ngời đăm đăm.
       Trước kia núi này gọi là núi Khế - Nhuệ Sơn (thôn Nhuệ), cách TP Thanh Hóa 3 km về phía tây nam, chu vi khoảng 4.000 m.
       Quảng Nam và Đà Nẵng, dân địa phương vẫn lưu truyền sự tích Đá Bà Rầu. Truyện kể một người vợ mong đợi chồng đi buôn xa, ngày ngày ra biển trông chồng. Người chồng về, do nghi ngờ ghen tuông, lại bỏ đi. Nàng buồn rầu ra cửa biển biến thành đá sầu đau. Do đó gọi Đá Bà Rầu.
       Bình Định có hòn núi Bà, dân địa phương vẫn lưu truyền câu hát:
Vọng Phu thuộc dãy núi Bà.
Tượng Sơn chất ngất gọi là Hòn Ông.
Hoặc
Bình Định có núi Vọng Phu.
Có đầm thị Nại, có Cù Lao Xanh.
      Người dân biển Tuy Hòa cũng gọi ngọn Đá Bia (tên chữ là Bi Sơn hay Thạc Bi Sơn), hoặc Đá Chồng, là núi Vọng Phu. Núi cao 706 m nằm cạnh quốc lộ 1A, trên đỉnh dựng đứng một khối đá lớn giống hình người đàn bà.
Sông kia núi nọ còn đây.
Mà người non nước ngày nay phương nào?
       Núi Vọng Phu ở xã Ninh Tòng, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa có tên là núi Mẫu Tử, giáp ranh xã Krong Hin, huyện Mơ Đrắc, cao 2.051 mét. Đây là ngọn núi cao nhất của Khánh Hòa. Chóp núi là một khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh có một khối nhỏ hơn, trông xa tựa hình người, đứng xa 40 km vẫn rõ hình ảnh mẹ bồng con ngóng ra biển Đông:
Bồng con ngồi dựa trên non.
Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ trông.
       Theo Quách Tấn trong Xứ Trầm Hương, núi Vọng Phu này người Pháp gọi là La Mère et L'Enfant - dịch ra là Mẹ Bồng Con, và còn có tên khác là Mông Công, đọc trại ra thành Bồng Con; đồng bào dân tộc trong vùng gọi là T'Yang Mtên. Những người lớn tuổi trong vùng Ninh Hòa - Vạn Giã đều cho rằng trông lên hòn Vọng Phu, đứa con càng ngày càng lớn trong vòng tay mẹ, còn bà mẹ thì ngày càng già yếu mỏi mòn vì bao nhiêu năm dạn dày sương gió.

**Vườn trái Lái Thiêu
     Vườn trái Lái Thiêu (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) là một cù lao tạo thành bởi hai nhánh sông nên đất đai phì nhiêu, cây trái tươi tốt. Lái Thiêu trở thành miệt vườn ngay từ thời khai hoang mở đất. Đến đây, du khách sẽ được đi trong những khu vườn rợp bóng cây, ngộp thở trước hương của hàng chục loại cây trái hòa quyện, và được thưởng thức trái ngon trong khung cảnh đầy thơ mộng.
     Từ TP Hồ Chí Minh đi về phía đông chừng 20 km, du khách sẽ gặp một vùng sinh thái tuyệt diệu, đó là miệt vườn Lái Thiêu. Nơi rợp mát hoa trái này trở nên nổi tiếng và thu hút khách du lịch khoảng mười năm trở lại đây. Thành phố ồn ào, nóng nực, luôn luôn ngột ngạt, con người muốn trở về với thiên nhiên. Về với miệt vườn Lái Thiêu, ta sẽ được hít căng lồng ngực hơi thở của đồng quê. Chân ta sẽ được bước trong những miệt vườn mà lối đi chỉ vừa một người. Cái thú vị đặc biệt của miệt vườn Lái Thiêu là hương thơm hòa quyện của hàng chục loại cây trái. Mùi thơm của sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, sa-pô-chê, mãng cầu đua nhau tỏa hương, quyến rũ, níu bước chân du khách.
       Miệt vườn Lái Thiêu được hình thành từ xưa cùng với làng quê êm ả của Nam Bộ. Người đến khai khẩn dừng bước tại đây bởi đất màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Miệt vườn Lái Thiêu được tạo thành bởi một dòng sông chảy từ TP Hồ Chí Minh về tới huyện Thuận An của tỉnh Bình Dương, tới đây sông rẽ thành hai nhánh, tạo thành một cù lao. Đất đai và cây trái quanh năm được bồi đắp và tưới mát bởi hai nhánh sông không bao giờ vơi này.
 Đến với Lái Thiêu, bạn có thể đi bằng xe du lịch hoặc tắc-xi, bình dân hơn thì đi xe lôi, chưa đầy một giờ sau bạn có thể đặt chân lên vùng đất hứa này. Để vào miệt vườn du lịch, bạn đi qua một cây cầu khá đẹp, soi bóng mình và để lắng lại phía sau những bụi bặm phố phường. Từ đây, bạn rảo bộ vào các lối nhỏ dẫn vào vườn. Nếu bạn muốn du ngoạn trên thuyền để cảm nhận cái chơi vơi sông nước, thì đã có sẵn những chiếc ghe dưới bến trong miệt vườn. Bạn sẽ gặp những vựa trái cây thơm lừng và những chàng trai, cô gái Lái Thiêu vẫn còn mang dáng dấp chân quê, mời bạn mua hàng. Bạn có thể mua một vài loại trái cây gì đó và trò chuyện vui vẻ. Họ sẽ thành hướng dẫn viên du lịch cho bạn. Đi trong vườn đầy bóng cây, bạn có cảm giác như đang sống trong môi trường của một chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ với ánh nắng của ban mai và ngọn gió lành phương xa thổi qua các cánh đồng phì nhiêu và dòng sông mát lành của đồng bằng Nam Bộ. Bạn có thể khoan khoái thả hồn trong khung cảnh thơ mộng: tiếng lá thở lao xao và tiếng tí tách của nước sông xâm xấp mép vườn.
       Đi dọc theo các vườn cây, thỉnh thoảng ta bắt gặp các rãnh dẫn nước từ sông vào. Các nhà dân ở xen lẫn trong vườn. Cây cối xanh tốt vươn vào thềm và phủ bóng trên mái nhà. Miệt vườn ở khu du lịch có hàng trăm ha. Mỗi gia đình có khoảng vài ba vườn cây là yên tâm với cuộc sống của mình. Nếu bạn muốn ở lại thưởng thức hương vị đặc biệt của trái cây vùng này, thì xin cứ việc ngả lưng trên những chiếc ghế để sẵn dưới gốc cây. Nếu trời bất chợt mưa, thì đã có nhà rông trong vườn. Bây giờ bạn có thể ngắm nhìn những trái mít tố nữ vàng ươm, thơm ngọt đến nao lòng, những trái sầu riêng gai góc nặng hàng cân chứa trong lòng ngọt bùi thơm mát. Ngoài ra dừa Xiêm, măng cụt, chôm chôm và các loại hoa quả khác của miệt vườn này cũng có hương vị rất lạ. Ai đã từng nếm một lần, chắc khó mà quên.
Hằng năm, miệt vườn Lái Thiêu có hàng nghìn du khách đến thăm. Những người yêu thiên nhiên và thích du lịch tìm hiểu miệt vườn Nam Bộ chắc không thể không một lần ghé về vùng quê đáng yêu này. Lễ hội Chùa Bà vào Rằm tháng Giêng và những mùa hoa trái hầu như quanh năm, đang chờ đón bạn.
         Phạm Văn Lam

**Quần thể Gò Tháp Mười với nền văn hóa nhân văn
Quần thể Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) gồm có Gò Tháp, Tháp Cổ Tự, Gò Minh Sư, Đền thờ Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương, Miếu Bà Chúa Xứ là kết tinh của nền văn hóa dân gian Nam Bộ cách nay khoảng 1.500 năm. Mỗi di tích trong quần thể đều chứa đựng những giá trị khảo cổ, lịch sử, và có một vị trí bền vững trong đời sống văn hóa của nhân dân Nam Bộ. Di tích Gò Tháp thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị xã Cao Lãnh khoảng 40 km, nằm ở vị trí gần trung tâm Đồng Tháp Mười. Toàn bộ khu di tích là một tập hợp nhiều gò đất pha cát với diện tích khoảng 3.000 m2. Trên mặt gò, có nhiều cổ thụ, tàn lá sum suê rợp bóng một vùng dưới cái nắng chói chang Đồng Tháp Mười. Chung quanh gò là vùng trũng rộng lớn với rừng tràm xen lẫn năng, sậy, sen, súng. Khu di tích Gò Tháp chưa bao giờ bị ngập nước, cho dù mùa nước nổi của những năm lớn nhất. Cuối thế kỷ 19, di tích Gò Tháp có tên gọi là Prasat Pream Loven. Rồi qua hàng chục năm của đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ đến khảo sát nhiều pho tượng và các sản phẩm điêu khắc, văn tự cổ đã được phát hiện. Sau khi thẩm định, bằng vào các cơ sở chứng lý khoa học, các nhà khảo cổ đã kết luận: "Di tích Gò Tháp Mười là một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng của nền văn hóa óc Eo". Trong các loại hình văn hóa óc Eo, gồm các sản phẩm: gỗ, gốm đá rất phong phú đa dạng, nhất là gạch, với kích cỡ lớn và trung bình. Gạch ở trên gò, gạch ở chung quanh nơi đồng ruộng, cục nguyên, cục vỡ ngổn ngang nơi Gò Tháp, Động Cát, Sa Rài thuộc tỉnh Đồng Tháp, đến tận Giồng Giung, Gò Hàng, Bãi Liếp thuộc Long An và lấn qua Trường Tháp thuộc tỉnh Tiền Giang... Đó đây còn có nhiều gạch, phiến đá, trụ đá, sản phẩm tôn giáo nghệ thuật, và đồ dùng trong sinh hoạt gia đình gồm: nồi, bình có vòi, ràng chì, lưới... Đặc biệt là gạch xếp thành mộ táng với bảy lớp mầu hồng, loại chín lớp mầu trắng. Mỗi chi tiết như tiềm ẩn một thứ ngôn ngữ riêng biệt. Đồ sộ và huyền bí là nền gạch ở Miếu Bà Chúa Xứ (kích thước 25 x 13,85 m) chính giữa có hoa văn tám cánh xếp bằng chín viên gạch, chỉ theo bốn hướng chính và bốn hướng phụ của địa bàn. Đây là ẩn số chưa tìm ra lời giải. Chất kết dính tuyệt vời, khi thấm nước có thể gỡ ra từng viên, lúc khô dùng cuốc để xeo. Trải qua quá trình 1.500 năm, độ lún của nền gạch không đáng kể. Không thể lấy chất liệu, kỹ thuật cổ điển mà so sánh với ngày nay, vì cảm nghĩ của người xưa xây đền, xây tháp thờ trời Phật, thần thánh do lòng thành, đức tin toàn tâm, toàn ý được đặt lên hàng đầu. Do vậy trải qua thời gian dài vẫn tồn tại. Sau hai đợt khai quật vào năm 1984 và 1993, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích Gò Tháp ba loại hình di tích gồm: Di tích cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng. Đoàn khảo cổ còn khẳng định: "Gò Tháp là di chỉ khảo cổ đầu tiên ở tả ngạn sông Tiền, cách Ba Thê, óc Eo (An Giang) khoảng 90 km về phía đông bắc, gồm một chuỗi gò, liền khoảnh do bàn tay con người bồi đắp dựa trên thành tạo ban đầu của tự nhiên". Ngày nay, theo quan điểm mới ta nói đây là cuộc cộng cư "Chung sống với lũ". Trên địa bàn này, họ chia từng khu vực, gồm các điểm kiến trúc: Gò Tháp, Gò Minh Sư, Gò Miếu Bà Chúa Xứ... Điểm sản xuất gồm: Khu vực đền thờ Thiên Hộ Vương - Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Còn khu mộ táng nằm về phía tây nam. Dọc triền lưng, dưới chân Gò Tháp về phía bắc, đã phát hiện nhiều cọc gỗ nhà sàn, dễ liên tưởng đến tuyến dân cư, tạo nên quần thể nhân dân lao động trong vùng. Di tích Gò Tháp đã thật sự có một vị thế bền vững trong đời sống văn hóa của dân Nam Bộ, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1989. Đã mười năm qua, Đồng Tháp đã trùng tu tôn tạo ngày càng khang trang đẹp đẽ. Tương lai sẽ trở thành một trong những cái nôi văn hóa của quê hương Nam Bộ, là niềm tự hào của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long. Theo đánh giá của đoàn khảo cổ,
Đồng Tháp Mười từng có tên trong lịch sử vào khoảng sáu thế kỷ đầu Công nguyên. Ở nơi đây, sớm có nền văn hiến rạng rỡ, có chữ viết riêng, đặt quan chế với nền cai trị vững vàng (thiết chế và thuế khóa, luật pháp...) đời sống kinh tế phong phú, trao đổi hàng hóa dùng vàng bạc đá quý làm trung gian, có nền nông nghiệp trồng lúa phát triển lâu đời, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, nhà cửa khang trang, hàng hải phát triển sớm. Nhìn về quá khứ để gợi mở cho một tương lai, góp phần vào việc nghiên cứu, để minh chứng cho một bộ phận dân tộc trên con đường hội nhập cộng đồng các dân tộc trong vùng Đông - Nam á. Hiện nay, sau 24 năm xây dựng đất nước, Gò Tháp đã thay da đổi thịt. Ruộng lúa bao phủ trên cánh đồng bát ngát, ngút ngàn mà trước đây tưởng chừng không ai định canh định cư nổi. Với tuyến đê bao bọc gần 30 km chính quyền đang quy hoạch khoảng 3.000 ha đất quanh Gò Tháp để trồng tràm, bảo vệ bưng sen, bưng súng, nuôi cò, nuôi trích và các loại động vật chim muông khác... tạo môi trường sinh thái thích nghi cho các loại động vật về trú ngụ vùng đất nguyên thủy cổ sơ gần gũi thiên nhiên

**Đồng bằng sông Cửu Long   
       Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều cảnh quan độc đáo, với đất rừng phương nam đa dạng tính sinh học, là tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam.Lưu vực sông Cửu Long ngày càng được quan tâm trong chuyến du lịch xanh, mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách nước ngoài tham quan. Một trong những nét đẹp hấp dẫn nhất hiện nay là những sân chim, vườn cò ở vùng này. Nổi bật trong số này phải kể đến là Tràm Chim (Đồng Tháp), Sân Chim Bạc Liêu, Vườn Cò Bằng Lăng (Cần Thơ), Cù Lao Thới Sơn (Tiền Giang)... Tham quan miệt vườn, du khách ghé trạm cù lao Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang với những vườn cây trái sum suê. Khách du ngoạn có thể đi dọc sông Tiền, ngắm một bên là vườn quả ngọt tiếp nối bạt ngàn với các bến sông tấp nập ghe xuồng chất đầy trái cây Nam Bộ, bên kia sông là cồn Rồng với lô nhô khu công nghiệp mới. Rời cù lao, qua phà ghé cồn Phụng (Bến Tre) tham quan những lò thủ công truyền thống làm bánh kẹo, hoặc đi du thuyền nghe ca tài tử trên sông nước Tiền Giang, nghe "mười câu vọng cổ" đậm đà chất Nam Bộ thời khai hoang vỡ đất. Về tỉnh Bạc Liêu, với hệ sinh thái ngập mặn ven biển, diện tích rừng chiếm khoảng 50 ha ngập nước nhiệt đới cây đặc thù như chà là, cóc, tra, lâm dồ... Qua tìm hiểu các lão nông tri điền ở địa phương cho biết, trước kia ở đây có nhiều vườn chim, nhưng qua quá trình khai hoang của dân tứ xứ đến lập nghiệp nên hiện nay chỉ tồn tại một vườn chim, diện tích trên 100 ha thuộc khu vực xã Mỹ Thành, cách trung tâm thị xã Bạc Liêu non 6 km, thu hút khách du lịch gần xa tham quan.  Vườn chim Bạc Liêu rất phong phú và đa dạng chủng loại, gần 50 loài chim tập trung về làm tổ, sinh sôi phát triển hàng chục ngàn con mỗi năm. Nhất là vào mùa mưa, chim rủ nhau về đây sinh sản rất đông. Các loài chim hiện diện ở vườn chim Bạc Liêu gồm có cò trắng, quắm trắng, còng cọc, điên điển, vạc, giang sen, bạc má, diệc... chen chúc nhau làm tổ trên các loài cây dá, mấm, chà là... Hiện tại, chim Bạc Liêu cưá trú theo từng loại như có tổ chức sắp xếp của tạo hóa quy khu rõ nét giữa các loài với nhau, vị trí ai nấy ở, không được xâm phạm lãnh thổ của nhau.

Tỉnh đang có dự án bảo vệ và phát triển tính đa dạng sinh học đất ngập nước ở sân chim Bạc Liêu.    Nhằm giữ được các loài chim trong mùa nắng hạn và phòng chống nạn cháy rừng, vườn chim Bạc Liêu đã được đào kênh mương bao bọc chung quanh, đào hồ chứa nước, nuôi cá, tạo nguồn thức ăn cho các loài chim có điều kiện thích ứng để xây tổ sinh sôi phát triển lâu dài. Còn tại cầu Bằng Lăng huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, rẽ vào phía tay phải khoảng 1 km, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn cò của ông Bảy Thuyền. Khu vực vườn cò rộng khoảng 15 ha, trồng các loại tre, trúc, xoài, dừa, gáo... Từ năm 1990 đến nay, có đàn cò hơn 1.000 con đến trú ngụ làm tổ, sinh sôi phát triển đến nay tới cả trăm ngàn con, được coi là nơi đất lành chim đậu. Hiện nay Uủy ban Nhân dân và Công ty Du lịch tỉnh Cần Thơ đã đầu tư, biến vườn cò thành khu du lịch thu hút khách tham quan các nơi thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên và khí hậu trong lành của miền quê mát mẻ.
Du khách hiện nay có xu hướng tìm về du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long với dọc ngang sông rạch, hầu mong đến với các miệt vườn, các cù lao để tận hưởng những cảnh đẹp thiên nhiên hào phóng, tìm kiếm sự yên ổn trong tâm hồn. Tiềm năng du lịch sinh thái còn nhiều hứa hẹn, đòi hỏi các ngành chức năng cần đầu tư đúng mức để mở cửa các kho tàng tiềm ẩn chưa được đánh thức

 **Hồ Lắc khó quên
       Trước khi đổ vào dòng Krông Nô hùng vĩ, các nguồn nước từ dãy núi Cư Yang Sin trùng điệp dồn lại tạo thành hồ Lăk rộng lớn tới 800 ha. Hồ nước hiếm hoi này thực sự là báu vật vô cùng quí giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đăk Lăk đầy nắng gió.
Từ thành phố Buôn Ma Thuột đến đây, nhất là về mùa khô, bạn sẽ phải tạm chịu đựng khoảng 40km đi đường dưới trời nắng chói chang và không khí oi nồng đến tức thở, để rồi được đền bù một cách thỏa đáng khi bỗng nhiên cảm thấy mát mẻ và sảng khoái đến khôn cùng khi hồ Lăk mênh mang hiện ra trước mặt.
       Lên một chiếc thuyền máy, bạn sẽ thỏa thích ngắm nhìn mây nước giữa không gian tĩnh lặng. Thuyền đi ven theo những đồi thông non tơ xanh ngắt, thỉnh thoảng một thuyền ngư dân thả lưới, một vài cánh cò chao nghiêng. Bạn hãy hít căng lồng ngực không khí trong lành đến tinh khiết và phóng tầm mắt về phía bờ, thế nào cũng gặp một hai chú voi nhởn nhơ hái lá.
Ngày xưa ở đây rất nhiều voi. Từng đàn voi rừng kéo xuống hồ tắm mát, đùa vui, rồi lại thủng thẳng thả bước về rừng. Trước đây vua Bảo Đại rất sành điệu ăn chơi đã chọn một quả đồi ven hồ Lăk xây cất lên một ngôi nhà nghỉ mát. Ngôi nhà đó vẫn còn, quản tượng của đội voi chuyên đưa đón nhà vua - cụ Lê Du - nay đã 94 tuổi. Đến thăm cụ, du khách sẽ được xem cả tấm ảnh "Đội quản tượng năm xưa" đã ngả màu vàng.
       Chiến tranh ác liệt, bom đạn đã làm voi rừng khiếp sợ bỏ đi, chỉ còn lại những con voi nhà thủy chung ở lại. Chúng trở thành người bạn của đồng bào Mơnông trong các buôn làng quanh hồ Lăk, nơi có những nếp nhà mái tranh, sàn gỗ giữ nguyên kiến trúc cổ truyền tự ngàn xưa cùng những phong tục tập quán đặc sắc của người Mơ Nông bản địa.
Một trong các buôn làng có nhiều du khách đến thăm là buôn Jun. Hơn năm chục nóc nhà quây quần bên con đường đất đỏ được những cây dừa lâu niên che chở bằng những tàu lá rộng và dài. Người buôn Jun sẵn lòng mời khách vào nghỉ chân trong những nếp nhà rộng dài thoáng mát và rất sạch sẽ. Họ mời khách cùng thưởng thức chóe rượu cần vừa cay vừa ngọt vừa thơm, rồi mời khách ngồi lên lưng voi hoặc xuống thuyền gỗ làm một tua du lịch sinh thái quanh hồ.
Đêm xuống, khi tiếng cồng tiếng chiêng gọi bạn múa đến bên ánh lửa bập vùng, xin bạn đừng chậm chễ. Đến đó bạn sẽ thấy người Mơ Nông hát, múa và chơi nhạc cụ cổ truyền say sưa, cuồng nhiệt như thế nào. Không hiểu được lời ca, chỉ nghe giai điệu, âm thanh và nhìn những động tác múa của họ, bạn sẽ cảm thấy mình đang trở lại với thời xa xưa, xa lắm.
Lúc nào đói bụng, bạn cứ yên tâm đến một quán ăn gần bờ hồ thoáng đãng. ở đó có nhiều món đặc sản rừng và đặc sản của hồ nước, Song bạn nhớ nếm thử món cá song hầm cạn trong muối. Vâng! một con cá nặng khoảng 2 đến 3 kg đang bơi lội được vớt lên làm sạch, ướp một chút gia vị bí truyền rồi đặt vào giữa một nồi muối to và đặt lên bếp lửa.

Xin cam đoan rằng, cùng với những cảnh vật mới lạ nơi thiên nhiên còn tinh khiết, cùng với những xúc cảm khi cưỡi voi, bơi thuyền trên mặt hồ, đêm dạ hội Mơnông... món đặc sản cá song này sẽ để lại trong bạn những ấn tượng khó quên.